Home / Giới thiệu / Quá trình phát triển / Trung tâm ĐH2, Đại học Thủy lợi 30 năm xây dựng và trưởng thành

Trung tâm ĐH2, Đại học Thủy lợi 30 năm xây dựng và trưởng thành

  1. Đỗ Văn Lượng – Giám đốc ĐH2

            Trung tâm ĐH2 là cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của trường Đại học Thuỷ Lợi tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Tiền thân của Trung tâm là “Đoàn Quy hoạch khảo sát thiết kế thuỷ lợi miền Nam Việt Nam” được thành lập theo Quyết định số 1745-QĐ/TC ngày 24/11/1976 của Bộ trưởng Bộ Thuỷ Lợi với nhiệm vụ làm quy hoạch và khảo sát thiết kế các công trình thuỷ lợi. Ngày 8/12/1986, Bộ trưởng Bộ Thuỷ Lợi có Quyết định số 598/QĐ/TC đổi tên Đoàn ĐH2 thành Trung tâm đào tạo kết hợp nghiên cứu và thực hành khoa học kỹ thuật thuỷ lợi tại Trung Bộ (gọi tắt là Trung Tâm ĐH2).

 
Đỗ Văn Lượng

Hàng năm Trung tâm gồm từ 8¸10 giảng viên, 1 kế toán, 7¸15 kỹ sư tập sự, 50¸80 sinh viên chính quy và tại chức làm đồ án tốt nghiệp. Trong 30 năm qua Trung Tâm đã được trường Đại học Thuỷ Lợi cử 9 đồng chí giảng viên trực tiếp lãnh đạo Trung tâm:

1 Trần Đường Trưởng đoàn QHKSTKTL miền Nam – Việt Nam từ tháng 2¸11/1976.
2 Phạm Bồng Trưởng đoàn ĐH2 từ tháng 12/1976¸2/1978
3 Đỗ Bằng Trưởng đoàn ĐH2 từ tháng 2/1978¸12/1979
4 Huỳnh Tấn Lượng Trưởng đoàn ĐH2 từ tháng 12/1979¸9/1981
5 Vũ Tiến Nghi Trưởng đoàn ĐH2 từ tháng 9/1981¸10/1982
6 Nguyễn Nhuyễn Phụ trách Đoàn ĐH2 từ tháng 10/1982¸7/1983
7 Võ Tiến Tân Trưởng đoàn ĐH2 từ tháng 7/1983¸9/1985
8 Dương Văn Bướm Giám đốc Trung tâm ĐH2 từ 9/1985¸2/2004
9 Đỗ Văn Lượng Giám đốc Trung tâm ĐH2 từ 2/2004 đến nay

Trong 30 năm xây dựng trưởng thành và phát triển, Trung tâm ĐH2 đã không ngừng mở rộng địa bàn hoạt động; mở rộng hình thức và quy mô đào tạo, mở rộng lĩnh vực hoạt động khoa học công nghệ và phục vụ sản xuất. Ngày càng hoàn thiện đội ngũ cán bộ quản lý và tổ chức bộ máy; đội ngũ cán bộ, giáo viên, kỹ sư của Trung tâm không ngừng được nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy, học tập và chuyển giao công nghệ được Nhà trường đầu tư hiện đại, đáp ứng xu thế phát triển trong giai đoạn mới. Sự phát triển thể hiện trên các mặt sau:

  1. Công tác đào tạo

            – Đa dạng hình thức và quy mô đào tạo tại Trung tâm ĐH2. Trước năm 1986 tiếp nhận sinh viên chính quy năm cuối từ Trường vào thực tập và làm đồ án tốt nghiệp; từ năm 1986 đến nay đã mở hệ đào tạo Tại chức Thuỷ Lợi, mở các lớp chuyên đề sau Đại học; kết hợp với Cơ Sở 2, Đại học Thuỷ Lợi, mở lớp Cao học 5 với 26 học viên.

            Kết quả đào tạo:

            – Hướng dẫn thực tập và làm đồ án tốt nghiệp cho gần 700 sinh viên năm thứ 5 hệ chính quy.

            – Hướng dẫn tốt nghiệp cho trên 500 sinh viên hệ Tại chức ở 4 trạm: Hội An, Mỹ Tho, TP Hồ Chí Minh và Phan Rang.

            – Mở 8 lớp chuyên đề Sau Đại học cho hơn 500 cán bộ kỹ thuật tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên về các lĩnh vực thiết kế, thi công, giám sát chất lượng xây dựng công trình và đánh giá tác động môi trường.

            – Tham gia giảng dạy tại các trạm Đại học phía Nam của Trường.

            Tất cả những kỹ sư tốt nghiệp ra trường tại Trung tâm ĐH2 đều đã trưởng thành nhanh chóng, thích ứng với điều kiện thực tiễn, có nhiều người đã và đang giữ những cương vị lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước ở Trung ương và địa phương, nhiều đồng chí là lãnh đạo các doanh nghiệp lớn của các ngành kinh tế khác nhau.

  1. Nghiên cứu khoa học

            – Năm 1985 – 1987 đã thực hiện 2 đề tài NCKH cấp nhà nước:

                        +/ 06.01.01 04 Sơ đồ tưới hợp lý cho cây Cà phê.

                        +/ 06.01.01 08 Chế độ và kỹ thuật tưới cho cây Cà phê.

            – Năm 1986 – 1988 ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về KCXMLT vào các công trình sản xuất: Kênh máng Bình Sơn, Phan Rang; cầu máng Liên Khương, Lâm đồng.

            – Năm 1990 Nghiên cứu tính toán tiêu úng ngập cho thị xã Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên.

            – Năm 1991 nghiên cứu về thuỷ lợi Tỉnh Sông Bé phục vụ nông nghiệp và nước sinh hoạt cho đồng bào các dân tộc vùng cao và biên giới Tây Nam.

            – Năm 1990-1992 nghiên cứu lấy nước sinh hoạt cho hải đảo: Phú Quý, Côn Đảo, Long Sơn.

            – Năm 1996 – 1997 thực hiện đề tài cấp Bộ nghiên cứu về tự động hoá hệ thống thuỷ nông Nha Trinh – Lâm Cấm.

            – Năm 1996 – 1998 thực hiện đề tài cấp Nhà nước KC – LĐ – 95 – 12 nghiên cứu diễn biễn lòng dẫn ở hạ lưu các sông Miền Trung.

            – Năm 1996 – 1999 Nghiên cứu tính toán quy hoạch thuỷ lợi tỉnh Ninh Thuận và thoát lũ cho sông Cái, Phan Rang.

            – Năm  2000 cùng với sở KHCN&MT Bình Định nghiên cứu mô hình ứng dụng tiến bộ KHCN phục vụ phát triển kinh tế xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn 2000 – 2002 (đề tài cấp Nhà nước).

            – Năm 2001 thực hiện đề tài cấp Tỉnh, quy hoạch cấp nước sinh hoạt cho đồng bào toàn tỉnh Lâm Đồng và một số vùng trọng điểm của tỉnh Phú Yên.

  1. Hoạt động KHCN phục vụ sản xuất

            Từ năm 1976 đến nay, thầy và trò Trung tâm ĐH2 đã tham gia quy hoạch, khảo sát, lập dự án khả thi, thiết kế kỹ thuật, thi công và giám sát thi công hàng trăm công trình thuỷ lợi, cấp nước sinh hoạt nông thôn, nuôi trồng thuỷ sản, đồng muối công nghiệp, đê điều, kè sông, kè biển,… Một số công trình điển hình như:

            + Quy hoạch thuỷ lợi tỉnh Ninh Thuận: Thiết kế hồ Sông Sắt, đồng muối Phương Cựu, đồng muối Đầm Vua, đồng muối Cà Ná, nhiều hệ thống nước sinh hoạt nông thôn tỉnh Ninh Thuận.

            + Thiết kế hồ Tuyền Lâm và hệ thống thuỷ lợi Tuyền Lâm – Quang Hiệp, hệ thống thuỷ lợi Đạ Đờn, hệ thống thuỷ lợi Liên Khương, hồ Đắc Lô tỉnh Lâm Đồng.

            + Thiết kế hồ Cần Hậu, hồ Tân Thắng, hồ Suối Chay, vùng nuôi tôm trên cát Phù Mỹ, hệ thống nước sinh hoạt Tam Quan Bắc, An Nhơn, Vĩnh Thạnh tỉnh Bình Định.

            + Quy hoạch lưu vực sông Kỳ Lộ; thiết kế vùng nuôi tôm Sông Cầu; vùng nuôi tôm hạ lưu sông Bàn Thạch tỉnh Phú Yên.

            + Thiết kế hồ Cà Giây và hệ thống thuỷ lợi hồ Cà Giây, thi công một số công trình trên kênh chính Sông Quao, đồng muối công nghiệp Vĩnh Hảo tỉnh Bình Thuận.

            + Thi công hồ Suối Giai, hồ An Khương, hệ thống thuỷ lợi Cần Nôm tỉnh Bình Dương.

            + Thi công hồ Suối Cát, hồ Mang Cá tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

            + Thiết kế cống đập Ông Hiếu tỉnh Long An.

            Các đề tài nghiên cứu, các lĩnh vực hoạt động khoa học công nghệ và phục vụ sản xuất do Trung tâm ĐH2 thực hiện đều mang tính thực tiễn cao, có ý nghĩa thiết thực phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của các địa phương. Hoạt động KHCN và phục vụ sản xuất tại Trung tâm triển khai khá tốt, có hiệu quả, có uy tín lớn.

            Trung tâm ĐH2 đã thực hiện đúng phương châm giảng dạy gắn liền với thực tiễn sản xuất – Đào tạo gắn liền với NCKH và LĐSX. Đây là mô hình 3 kết hợp rất sinh động và hiệu quả, thực hiện tốt phương châm giáo dục của Đảng trong các trường Đại học.

  1. Công tác xây dựng cơ sở vật chất

            Ngày đầu thành lập, cơ sở vật chất của Trung tâm còn rất hạn chế, trụ sở làm việc và nơi học tập của sinh viên đều mượn các địa phương. Nhưng sau 30 năm xây dựng, Trung tâm đã có cơ sở đào tạo và khu làm việc khang trang với trang thiết bị máy móc, phòng thí nghiệm, thư viện khá đầy đủ, đáp ứng nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

            Bằng sức lao động của mình, Trung tâm đã xây dựng được một cơ sở vật chất khang trang và đồng bộ với 1000m2 Nhà cấp I, 860m2Nhà cấp III bằng nguồn vốn tự có với phòng máy tính 54 máy, thư viện, phòng thí nghiệm phục vụ cho công tác đào tạo, NCKH và phục vụ sản xuất.

            Trung tâm có trụ sở làm việc tại 3 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên như sau:

            + Trụ sở chính: 115 Trần Phú, Phan Rang, Ninh Thuận.

            + Khu đào tạo (giảng đường, phòng thí nghiệm, KTX sinh viên)74 Yên Ninh, Phan Rang, Ninh Thuận.

            + Văn phòng số 176 Lê Hồng Phong, Quy Nhơn, Bình Định.

            + Văn phòng số 7 Thủ Khoa Huân, Đà Lạt, Lâm Đồng.

  1. Khen thưởng

Với quá trình phấn đấu bền bỉ, liên tục của thầy và trò Trung tâm ĐH2 cộng với sự chỉ đạo trực tiếp, kịp thời của Đảng uỷ, Ban giám hiệu và sự phối hợp chặt chẽ với các Phòng, Khoa, Ban, Bộ môn; sự giúp đỡ tận tình, hiệu quả của Lãnh đạo và nhân dân các địa phương, sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Thuỷ Lợi trước đây, nay là Bộ Nông nghiệp & PTNT. Cán bộ, giáo viên, sinh viên Trung tâm ĐH2 có nhiều thành tích đáng tự hào, đã được Đảng, Nhà nước, Bộ chủ quản và các địa phương đánh giá cao, ghi nhận bằng những phần thưởng cao quý:

            – Bằng khen của Thủ tướng Chính Phủ       1979.

            – Huân chương lao động hạng Ba                1989.

            – Huân chương lao động hạng Hai               1996.

            – Huân chương lao động hạng Nhất             2003.

            – Bằng khen của chủ tịch UBND các tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu 1992, Sông Bé 1995, Bình Phước 1997, Lâm Đồng 1998, Bình Thuận 2000, Bằng khen của Bộ Nông nghiệp & PTNT 1997.

            Bước sang tuổi 30, Thầy và trò Trung tâm ĐH2 đang đứng trước vận hội mới và thách thức lớn. Đó là thời kỳ tiềm năng vùng đất miền Trung và Tây Nguyên đang được đánh thức để phát triển theo kịp hai đầu của Tổ quốc. Đây là cơ hội mở rộng quy mô và hình thức đào tạo: là cơ hội thực hiện nhuần nhuyễn phương châm giáo dục của Đảng “Học đi đôi với hành, lý thuyết gắn liền với thực tiễn sản xuất”, là cơ hội nâng cao chất lượng sản phẩm đào tạo, cơ hội để thể hiện bản lĩnh chuyên môn và bề dày kinh nghiệm thực tiễn, góp phần cùng các địa phương chế ngự thiên nhiên, khai thác tiềm năng có hiệu quả hơn.

            Bên cạnh vận hội là những thách thức, thách thức lớn nhất là làm sao nâng cao trí tuệ và năng lực quản lý ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ, không ngừng đổi mới công nghệ và cập nhật thông tin mới kịp thời, phải xây dựng được đội ngũ cán bộ kỹ thuật và giáo viên giàu tâm, đủ tầm để làm tốt sự nghiệp trồng người theo yêu cầu cải cách giáo dục và đảm đương nhiệm vụ NCKH và chuyển giao công nghệ tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên trong giai đoạn mới.

                                                                                    Phan Rang, tháng 08 năm 2006

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *