Home / Giới thiệu / Hình ảnh hoạt động / Tháng 7 đến với Côn Đảo

Tháng 7 đến với Côn Đảo

Tháng 7, tháng của tri ân, của tình nghĩa, của “uống nước nhớ nguồn”. Tháng của mọi người Việt Nam đều hướng về những Anh hùng, Liệt sỹ, Thương bệnh binh, Gia đình có công với đất nước. Trong tấm lòng biết ơn ấy chúng tôi đã đến với Côn Đảo.

Côn Đảo là một quần đảo gồm 16 đảo lớn nhỏ. Đảo lớn nhất cùng tên với quần đảo có diện tích 61,28 km2. Trước thế kỷ 20, Côn Đảo còn được gọi là Côn Lôn. Đến tháng 9 năm 1954 đổi tên là Côn Sơn, năm 1956 là tỉnh Côn Sơn. Ngày 1 tháng 5 năm 1975 Côn Đảo được giải phóng khỏi ách Mỹ -Ngụy và mang tên tỉnh Côn Đảo. Năm 1977 Côn Đảo là một huyện của tỉnh Hậu Giang. Tháng 5 năm 1979 trở thành quận Côn Đảo của đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo. Và từ tháng 10 năm 1977 đến nay, Côn Đảo là một huyện của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tầu. Huyện Côn Đảo có thủ phủ là thị trấn Côn Đảo, với số dân hơn 7 nghìn người. Dưới huyện là 9 cụm dân cư (không có các xã). Côn Đảo là một trong 21 khu du lịch Quốc gia của Việt Nam. Nổi lên là du lịch lịch sử, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái.

Hôm nay, đặt chân đến Côn Đảo với trời xanh, biển xanh, rừng xanh, chúng tôi tận hưởng không khí trong lành của tự nhiên, đón nhận tình cảm ấm áp của người Côn Đảo. Chỉ khi đến với những chứng tích lịch sử, chúng tôi mới cảm nhận được phần nào chiều sâu theo thời gian của Côn Đảo, mới thấy lòng mình trào lên một niềm kính phục đối với các chiến sĩ cách mạng bị tù đầy khổ sai nơi đây trước ngày đất nước thống nhất.

Tháng 2 năm 1862 Bonnard (thủy sư đô đốc Pháp) ký Quyết định thành lập nhà tù Côn Đảo và từ đó biến Côn Đảo thành nơi giam giữ người tù chính trị Việt Nam với hệ thống chuồng cọp khét tiếng. Có những thời điểm, Côn Đảo có tới 8 nghìn tù nhân. Khoảng 20 nghìn người tù đã chết và được an táng tại Nghĩa trang Hàng Dương. Các trại giám như trại Phú Hải, trại Phú Tường là nơi giam giữ các chiến sỹ Cộng sản. Tại mỗi trại có lúc hàng trăm người bị gông cùm, xiềng xích. Cai ngục đã áp dụng nhiều hình thức tra tấn dã man từ thể xác đến tinh thần đối với các chiến sỹ cách mạng.

Nhiều sĩ phu yêu nước như cụ Huỳnh Thúc Kháng, cụ Phan Chu Trinh… nhiều nhà cách mạng nổi tiếng như Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng, Lê Văn Lương, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Văn Linh, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Phạm Hùng…từng bị giam giữ nơi đây. Có những khu biệt giam dành cho tù nhân cách mạng là nữ. Các chiến sĩ cách mạng bị xiềng xích và tra tấn cho đến chết.

Một góc Trại Phú Hải

Ở trại Phú Hải có cả giảng đường, bệnh xá, nhà thờ, nhà bếp, nhà ăn.. nhưng chỉ để che mắt các đoàn giám sát về nhân quyền của quốc tế hoặc để đối phó với dư luận.

Trại Phú Tường, nơi nổi tiếng với những “chuồng cọp” được xây dựng năm 1940 với diền tích 5000 m2, 120 phòng giam có song sắt phía trên, 60 phòng “tắm nắng” không có mái che.

 

Những “chuồng cọp”của Trại Phú Tường

Nhìn những chứng tích độc ác của kẻ thù, lắng nghe tiếng thuyết minh rõ ràng nhẹ nhàng của các hướng dẫn viên, mà lòng chúng tôi như xé ra, nước mắt ai cũng trào ra. Căm thù lũ thống trị, kẻ chúa đảo cai tù ác độc. Cảm phục nghị lực phi thường của những chiến sỹ cách mạng đã xả thân vì sự nghiệp giải phóng đất nước, đã không tiếc máu xương để giành độc lập cho dân tộc.

Rời khỏi những khu giam cầm, tra tấn tàn khốc, chúng tôi đến nghĩa trang Hàng Dương. Kính cẩn dâng hoa “ Trường Đại học Thủy lợi Kính viếng” ở đài tưởng niệm chung các Anh hùng Liệt sỹ đã ngã xuống nơi đây. Thắp nén hương kính viếng các anh, các chị- những người con đất Việt- đã hiến dâng cuộc đời cho hôm nay Côn Đảo xanh tươi, cho đất nước Việt Nam nở hoa đẹp, kết trái thơm.

Dâng hoa, thắp hương tưởng nhớ các Anh hùng, Liệt sĩ

Không thể nào đến viếng hết từng ngôi mộ trong số hai vạn ngôi của nghĩa trang, chúng tôi kính cẩn trước anh linh một số người con trung hiếu, bất khuất, kiên cường của dân tộc. Đó là viếng mộ nhà Yêu nước Nguyễn An Ninh, viếng mộ Tổng Bí thư Đảng CS Đông Dương Lê Hồng Phong, Viếng mộ Anh hùng LLVT Vũ Văn Hiếu- Bí thư đặc Khu ủy đầu tiên của khu mỏ Quảng Ninh,…

Tại nghĩa trang Hàng Dương, trong tiếng nhạc trầm hùng, chúng tôi đến viếng mộ Chị Võ Thị Sáu, người con gái Đất Đỏ đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Người nữ anh hùng đã đến với Cách mạng từ lúc 14 tuổi, làm liên lạc, tiếp tế; đã tham gia nhiều trận chiến đấu bảo vệ quê hương, tiêu diệt nhiều ác ôn. Chị bị bắt tháng 2 năm 1950 trong lúc diệt ác. Giặc Pháp giam Chị ở nhà tù Đất Đỏ, rồi khám Chí Hòa. Chúng kết án tử hình người nữ chiến sỹ khi tuổi đồi chưa tròn 18. Chị được công nhận là Đảng viên chính thức của Đảng Lao động Việt Nam (Đảng Cộng sản Việt Nam) ngày trước khi hy sinh. Chị Sáu kiên cường đến phút cuối cuộc đời. Ở trường bắn, trước lúc hy sinh Chị đã hát vang bài Tiến quân ca và hô to những lời cuối cùng: “ Đả đảo bọn thực dân Pháp. Việt Nam độc lập muôn năm. Hồ Chủ tịch muôn năm”. Chị Sáu mất lúc 7g0 sáng ngày 23 tháng 1 năm 1952

Viếng mộ người nữ Anh hùng Võ Thị Sáu.

Có rất nhiều câu chuyện về Liệt sĩ Võ Thị Sáu. Tất cả đều ca ngợi Chị với khí phách kiên cường, với một niềm tin tất thắng của Cách mạng, với một tấm lòng nhân văn cao cả dù khi đã đi vào cõi vĩnh hằng.

Ngôi mộ của Chị có 3 tấm bia. Một tấm bia do Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam dựng để ghi công người nữ Anh hùng Liệt sĩ. Một tấm bia gắn vào thời kỳ Côn Đảo chưa được giải phóng, do vợ chồng Thiếu tá Tăng Tư tỉnh trưởng tỉnh Côn Đảo, về Sài Gòn đặt làm bằng đá cẩm thạch. Với lòng kính phục Cô Sáu linh thiêng, bia mang dòng chữ: “ Liệt sĩ Võ Thị Sáu sinh năm 1933 tại Bà Rịa, mất ngày 23 tháng 1 năm 1952”. Và một tấm bia do những người tù là thợ hồ, chắt chiu dấu cai ngục tùng dúm xi măng dựng lên, sau bao lần bị cai ngục đập vỡ bia này thì bia mới khác lại được dựng.

Đến Côn Đảo, thành kính dâng hương hoa trước anh linh những Anh hùng Liệt sỹ với lòng kính phục và sự biết ơn vô bờ bến. Đến với Côn Đảo hôm nay, những cán bộ Trường Đại học Thủy lợi, Viện Đào tạo và Khoa học ứng dụng miền Trung còn góp phần đem nước đến cho Côn Đảo bằng việc xây dựng những công trình Thủy lợi trên đảo, trong đó có hồ Quang Trung II.

Hệ thống các hồ chứa nước ở Côn Đảo

Hồ Quang Trung II nằm ở phía Đông Nam Côn Đảo thuộc khu vực trung tâm. Hồ có dung tích 645 nghìn mét khối nước, diện tích mặt hồ ứng với mực nước dâng bình thường là 10,4 ha. Hồ Quang Trung II có nhiệm vụ: Cấp nước ngọt cho huyện Côn Đảo; nâng cao mực nước ngầm, giảm xâm nhập mặn trong khu vực; phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu; phòng cháy, chữa cháy rừng; bảo vệ môi trường; phát triển du lịch. Hồ gồm một đập chắn, tràn xả lũ rộng 8 mét, cống lấy nước, kè bảo vệ quanh hồ, đường giao thông quanh hồ.

 

Toàn cảnh hồ Quang Trung II đang hoàn chỉnh

Tháng 7 đến với Côn Đảo để bày tỏ lòng biết ơn với những chiến sĩ Cách mạng anh dũng, bất khuất, kiên trung; để dâng hương hoa viếng các Anh hùng Liệt sĩ đã ngã xuống vì nền độc lập tự do của Tổ quốc nhân 70 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27.7.1947 – 27.7.2017). Tháng 7 đến với Côn Đảo, những kỹ sư của Trường Đại học Thủy lợi, Viện Đào tạo và Khoa học ứng dụng miền Trung mang tri thức tạo dựng nguồn nước để anh linh những liệt sĩ được thanh thản mát mẻ, để người dân Côn Đảo thêm có cuộc sống ấm no, để Côn Đảo tiếp tục phát triển xứng danh đảo anh hùng bất khuất, để minh chứng thế hệ hôm nay mãi mãi biết ơn và tự hào về lớp cha anh đi trước.

Bài và Ảnh: Việt Bắc

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *